Hỏi:

Chào Luật sư!

Em là A, hiện đang làm việc tại Úc, tháng 1/2018 vừa rồi em và chồng người Úc đã kết hôn và làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Úc. Bây giờ em và chồng về Việt Nam và muốn cưới ở Việt Nam thì có cần đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam không?

Trả lời:

Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Nguyên Luật tư vấn như sau:

1.Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014
  • Luật Hộ tịch năm 2014
  • Nghị định số 123/2015/NĐ – CP
  • Thông tư 250/2016/TT-BTC

2. Ý kiến pháp lý 

a. Kết hôn ở nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam không?

Căn cứ theo Điều 34, Nghị định số 123/2015/NĐ – CP, quy định về điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài:

“Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.”

Vậy, việc đăng ký kết hôn ở Úc của bạn sẽ được công nhận tại Việt Nam nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện trên và được ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn (gọi là ghi chú kết hôn)

b. Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn

  • Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam (Căn cứ Khoản 1, Điều 48 Luật Hộ tịch năm 2014)
  • Hồ sơ bao gồm:

i) Tờ khai theo mẫu quy định

ii) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

iii) Ngoài giấy tờ trên, nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ của cả hai bên nam, nữ một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh nhân thân.( Căn cứ Khoản 1, Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)

Lưu ý: Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật (Căn cứ Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)

c. Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn:

i) Bước 1: Một trong hai bên yêu cầu chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.

ii) Bước 2: Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ thì viết phiếu tiếp nhận và hẹn trả hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì phải hướng dẫn bằng văn bản để người đi đăng ký hộ tịch bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ bổ sung.

iii) Bước 3: Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

(Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Luật Hộ tịch năm 2014; Khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

  • Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày Phòng tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc (Căn cứ Khoản 2, Điều 35, Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
  • Phí, lệ phí: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương mà UBND cấp Tỉnh quy định mức thu cho phù hợp (Căn cứ Thông tư 250/2016/TT-BTC)

Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Kết hôn ở nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam?

Trân trọng!