Hỏi:

Luật sư ơi, em gái tôi lấy chồng được 3 năm, có tổ chức cưới hỏi đàng hoàng nhưng lại không đăng ký kết hôn. Hai vợ chồng làm ăn và mua được mảnh đất ở thành phố Vũng Tàu, đứng tên chồng. Thời gian gần đây công việc làm ăn không được thuận lợi, em rể tôi thường xuyên lớn tiếng, đánh đập vợ. Mâu thuẫn đến không thể sống chung được nên em gái tôi đã dọn ra ngoài sống, li thân mấy tháng nay. Bây giờ em tôi muốn ly hôn thì miếng đất đó có được chia cho nó hay không?

Trả lời:

Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự tín nhiệm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Nguyên Luật tư vấn như sau:

1.Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
  • Bộ luật Dân sự năm 2015.

2.Ý kiến pháp lý

  1. Hôn nhân hợp pháp

Căn cứ Khoản 1, Khoản 5,  Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.”

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”

Hôn nhân hợp pháp là hôn nhân đảm bảo về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 căn cứ Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Ngoài ra, căn cứ Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về đăng ký kết hôn:

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

  1. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Vậy, căn cứ theo các quy định trên thì pháp luật Việt Nam hiện tại không xem những nghi thức như lễ cưới, đám hỏi… có giá trị pháp lý như đăng ký kết hôn. Do em gái và em rể của bạn không đăng ký kết hôn nên chỉ được coi là sự kiện nam và nữ sống chung với nhau như vợ chồng, tài sản được thiết lập trong thời gian này không  được coi là tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Khi không còn mong muốn sống chung nữa, em gái bạn không phải thực hiện thủ tục ly hôn, quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của hai vợ chồng em gái bạn trong thời kì này được giải quyết theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Căn cứ Khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

 Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

  1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Đối với mảnh đất được mua trong thời kì em gái và em rể bạn sống chung với nhau như vợ chồng nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, nếu em bạn có đủ căn cứ, giấy tờ chứng minh khối tài sản đó được mua từ tiền chung của hai người trong thời kì này thì mảnh đất đó vẫn được coi là tài sản chung của nam nữ trong thời gian chung sống với nhau như vợ chồng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 nêu trên, nếu không thể thỏa thuận về việc chia tài sản chung thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan để giải quyết vấn đề tài sản chung. Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chia tài sản thuộc sở hữu chung như sau:

“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2.Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật về vấn đề: Không đăng ký kết hôn có được chia tài sản chung?

Trân trọng!