Hiện nay, việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, có con chung diễn ra rất phổ biến và có xu hướng phát triển phức tạp cả về số lượng cũng như tính quan hệ, biểu hiện đa dạng.
Căn cứ Khoản 1, Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 :
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.” Đây là quan hệ vợ chồng không có giá trị về mặt pháp lý.
Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại Khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.”
1.Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi không đăng ký kết hôn
Căn cứ Khoản 2, Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ giữa cha mẹ và con như sau:
“2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.” Như vậy, theo quy định trên thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Dù là con trong giá thú hay con ngoài giá thú thì cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ giữa ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái mà không có sự phân biệt đối xử.
2. Tư vấn giành quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn
- Đối với con dưới 36 tháng tuổi.
Căn cứ Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 : “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
- Đối với con trên 7 tuổi.
Căn cứ Khoản 2, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 : “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:
- Điều kiện về vật chất bao gồm:Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
- Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Để con cái được phát triển lành mạnh về thể chất và trí tuệ, đạo đức, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người trực tiếp nuôi con (Căn cứ Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trân trọng!