THỪA KẾ THẾ VỊ
Hỏi:
Xin chào Nguyên Luật!
Ông nội và Bà nội tôi có 1 người con đó là bố tôi. Năm 2005 bà nội tôi mất, khi bà mất thì không để lại di chúc vì lúc đó kinh tế gia đình ông bà chưa có gì. Đến năm 2017 bố tôi và ông nội tôi bị mất do một vụ tai nạn xe ô tô. Do tuổi đã cao nên ông nội đã viết di chúc từ hồi năm 2016, trong di chúc có ghi để lại toàn bộ tài sản cho bố tôi mà ông tích góp bao năm nay là 1 tài khoản ngân hàng trị giá 2 tỷ đồng. Nhưng hiện tại bố tôi đã mất cùng thời điểm với ông nội tôi vậy thì tôi có được thừa kế thế vị của bố tôi không?
Trên đây là thắc mắc của tôi, mong được luật sư giải đáp, xin chân thành cảm ơn!!!
Trả lời:
Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:
1. Điều kiện hưởng thừa kế kế vị:
Căn cứ vào Điều 652 BLDS 2015 quy định như sau:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
*Điều kiện được hưởng:
- Phải là người đời sau có nghĩa là chỉ có con mới được thế vị cha mẹ, không có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con.
- Người được hưởng có thể là con đẻ hoặc con nuôi
- Thừa kế thế vị chỉ xảy ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản
- Người thừa kế thế vị phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Như vậy đối với trường hợp của bạn thì xét về điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị, bạn là đời sau của bố nên có thể hưởng thừa kế thay bố đối với di sản của ông bạn để lại. Khi bố và ông bạn đều bị mất trong cùng một thời điểm trong một vụ tai nạn nên thừa kế thế vị sẽ xảy ra vì bố là người được hưởng thừa kế do ông bạn để lại. Và trong thời điểm mở thừa kế nếu bạn còn sống và bạn là con đẻ của bố bạn thì đã thỏa mãn tất cả các điều kiện để có thể hưởng thừa kế thế vị tài sản mà ông bạn để lại.
2. Đối tượng được hưởng thừa kế thế vị:
- Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà
- Chắc thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ
- Nếu cha hoặc mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông hoặc bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng.
- Trừ trường hợp người thừa kế thế vị từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản được quy định tại Điều 620 và Điều 621 của BLDS 2015 thì người này không được hưởng di sản.
Vậy bạn thuộc đối tượng thừa kế thế vị khi bố chết cùng thời điểm với ông nên di chúc mà ông đã để lại cho bố bạn sẽ bị vô hiệu. Phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật và do bà nội và bố bạn đã mất nên vì vậy ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ không còn ai nên tài sản đó sau khi được chia theo pháp luật thì bạn sẽ được hưởng thay bố bạn.
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật!
Trân trọng!
LIÊN HỆ NGUYÊN LUẬT
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
☎ Hotline: 0931.79.92.92 (Luật sư Trung)