Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động:
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2020 tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng, cụ thể như sau:
– Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I: 4.420.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 157);
– Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II: 3.920.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
– Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III: 3.430.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng);
– Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận định: “Lương tối thiểu vùng 2020 tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng sẽ giúp thu nhập bình quân của NLĐ tăng lên, dần đảm bảo được mức sống tối thiểu theo đúng lộ trình đã được đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu cũng sẽ tác động đến các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Dù vậy, thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chi trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng năm 2019 nên việc tăng lương tối thiểu năm 2020 sẽ chủ yếu tác động đến chi phí đóng BHXH mà thôi”.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh;
Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(Theo Thư viện pháp luật)