Thủ tục ly hôn vắng mặt là thủ tục ly hôn trong đó một bên đương sự không có mặt tại phiên tòa, trong trường hợp này thủ tục ly hôn vắng mặt sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thủ tục ly hôn được chia ra: thủ tục ly hôn đồng thuận và thủ tục ly hôn đơn phương. Đối với trường hợp ly hôn đơn phương là ly hôn dựa theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng, vì vậy có rất nhiều trường hợp bên người vợ/chồng bị yêu cầu (hay còn gọi là bị đơn) sẽ không chịu hợp tác và không tham gia phiên tòa. Trong một vụ án ly hôn có thể xảy ra hai trường hợp: sự vắng mặt của nguyên đơn và sự vắng mặt của bị đơn, sự vắng mặt của 1 trong hai bên đương sự sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau:
- Vắng mặt trong giai đoạn hòa giải vụ án
Căn cứ Điều 207 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.”
Nếu có lý do chính đáng hoặc có đơn đề nghị không tiến hành hòa giải thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
- Vắng mặt tại phiên xét xử
a. Sự vắng mặt của nguyên đơn tại phiên tòa
Căn cứ Điều 227 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, quy định về sự có mặt của các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
“ 1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;…”
Như vậy, nếu nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai thì vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết. Trong trường hợp không thể có mặt tại phiên tòa thì nguyên đơn có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
b. Sự vắng mặt của bị đơn tại phiên tòa.
Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 227 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015:
“2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;”
Như vậy, trong trường hợp bị đơn vắng mặt lần thứ hai, Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn, thủ tục ly hôn vắng mặt vẫn tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Lưu ý: Trong trường hợp bị đơn cố tình vắng mặt thì nguyên đơn có quyền đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vắng mặt bị đơn sau khi đã niêm yết tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu bị đơn cố tình che dấu nơi cư trú thì cần đề nghị Tòa xem xét xác định là trường hợp cố tình che dấu nơi cư trú nhằm trốn tránh trách nhiệm, hoặc có thể thông báo cho bị đơn thông qua phương tiện thông tin đại chúng (báo,đài,…) theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
c. Các bước tiến hành thủ tục ly hôn vắng mặt.
Thủ tục ly hôn vắng mặt sẽ kéo dài hơn trường hợp ly hôn thông thường, các bước tiến hành thủ tục ly hôn vắng mặt được thực hiện theo quy định tố tụng, có thể khái quát lên các bước như sau:
- Thụ lý vụ án.
Sau khi nộp hồ sơ khởi kiện hợp lệ và hoàn thành nghĩa vụ án phí, lệ phí theo quy định tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án.
- Hòa giải và chuẩn bị xét xử.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tòa án sẽ gửi thông báo về việc tiến hành hòa giải cho nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, nếu bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì coi như vụ án ly hôn của không tiến hành hoà giải được.
- Đưa vụ án ra xét xử.
Khi vụ án được đưa ra xét xử, bị đơn có quyền và nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp bị đơn không tham gia phiên tòa khi được tòa án triệu tập thì xử lý theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật về: Ly hôn vắng mặt.
Trân trọng!