Tính công bằng, khả năng thực thi và nguy cơ nhũng nhiễu thuế là những yếu tố then chốt quyết định luật thuế tài sản (đang được đề xuất xây dựng) có thể đi vào cuộc sống thành công hay không.
Mặc dù việc gia tăng đánh thuế các tài sản lớn như nhà, đất là một xu thế được triển khai trong vài năm gần đây ở nhiều nước để tăng nguồn thu cho ngân sách eo hẹp và hạn chế đầu cơ bất động sản, việc Bộ Tài chính lại đặt vấn đề về luật thuế tài sản, mà trọng điểm là chính sách thuế liên quan đến bất động sản, tiếp tục thu hút tranh luận của nhiều bên.
Câu hỏi về tính công bằng và khả năng thực thi
Một trong những quan điểm chủ yếu để đề xuất đánh thuế vào các tài sản như nhà, đất là nhằm điều chỉnh hoạt động đầu cơ bất động sản. Về lý thuyết, đây là một giải pháp giúp hạn chế nạn đầu cơ nhà đất và giảm chênh lệch giàu nghèo khi người giàu ngày càng sở hữu nhiều bất động sản sinh lợi lớn trong khi người nghèo thì khó mà mua được một căn nhà để ở. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đánh thuế bất động sản với mục đích giảm đầu cơ là khó khăn. Nếu đánh thuế trên tổng giá trị danh mục bất động sản đang nắm giữ thì không công bằng giữa các địa phương khác nhau vì ở những thành phố trọng điểm như Hà Nội hay TPHCM thì một căn nhà nhỏ cũng có giá cao gấp nhiều lần so với nhà ở các tỉnh xa và kém phát triển. Kinh nghiệm ở Anh cho thấy đề xuất đánh thuế những căn nhà trên hai triệu bảng Anh bị phản đối mạnh mẽ trong dư luận vì ở những thành phố như London thì đó có khi chỉ là một căn nhà hai phòng ngủ đủ đáp ứng điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong gia đình. Trong khi đó, nếu áp dụng cách đánh thuế lên căn nhà thứ hai trở đi như một số nước thì lại không phù hợp với thực tế ở Việt Nam, đó là nhiều người dân có thể để người thân đứng tên nhà cửa. Vì vậy, những ý kiến phản đối việc đặt ra một loại thuế đánh vào tài sản lớn của người dân cho rằng nó sẽ khiến nhiều người dân lao động chân chính chịu áp lực lớn phải trích một phần thu nhập ít ỏi ra nộp thuế trong khi người giàu có thực sự sở hữu nhiều tài sản đầu cơ thì có thể tránh phải nộp một phần lớn thuế mà họ đáng ra phải nộp. Về nguyên tắc thì những trở ngại về tính công bằng sẽ luôn có lời giải nếu cơ quan quản lý có thông tin đầy đủ và chính xác về sở hữu bất động sản và có khả năng thu thuế đúng và đủ. Tuy nhiên thực tế áp dụng ở nhiều nước cho thấy người càng giàu thì càng có khả năng tránh thuế bằng nhiều biện pháp lách qua lỗ hổng pháp luật với sự trợ giúp của mạng lưới luật sư, công ty “vỏ rỗng” và người đứng tên sở hữu tài sản giả. Tình trạng tránh thuế (tax avoidance) qua các lỗ hổng pháp luật chỉ có thể được hạn chế một cách hiệu quả với các tiền đề: (1) có sự hợp tác toàn cầu trong hệ thống thuế tài sản; (2) hệ thống pháp luật hiệu quả và linh hoạt trong việc áp dụng các án lệ mới; (3) hiệu quả thực thi luật thuế và giải quyết tranh chấp về thuế tốt. Cả ba yếu tố này dường như đều không tồn tại trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Điều đó không có nghĩa rằng vậy thì đừng bao giờ thực thi thuế tài sản. Dù muốn hay không, đây cũng là một xu thế mà các nước áp dụng và trong bối cảnh ngân sách đang chịu nhiều áp lực, thuế đánh vào bất động sản đầu cơ là cần thiết. Nhưng những tiền đề ở trên cho thấy thực thi thuế tài sản khó không phải chỉ ở chỗ thông qua xây dựng luật mà còn ở chỗ thực thi, không khéo sẽ làm mất lòng dân.
Từ tránh thuế tới nhũng nhiễu thuế
Những nghiên cứu về thuế tài sản ở nhiều nước chỉ ra một trở ngại chủ chốt trong việc thực thi loại thuế này là người nộp thuế có khả năng tránh thuế cao do tính phức tạp trong sở hữu tài sản và người càng giàu càng có nhiều cách tránh thuế. So với những loại thuế đánh trực tiếp vào tiêu thụ hàng hóa như thuế giá trị gia tăng thì thuế tài sản có rất nhiều lỗ hổng có thể lách qua. Về mặt lý thuyết, đối với thuế truyền thống, qua thời gian thì luật thuế và người thực thi thuế sẽ hoàn thiện khả năng phân biệt được trường hợp đầu cơ nhà với trường hợp sở hữu nhà để ở vì mục đích sinh sống thiết yếu và chính đáng. Tuy nhiên, về mặt hành vi thì những người thực thi thuế có thể sẽ chọn giải pháp “mềm nắn, rắn buông”, nghĩa là đánh thuế lên những người dân ít thông tin, ít hiểu biết và ít khả năng chống lại quyết định của cơ quan thuế, còn bỏ qua cho những người giàu có và nhiều quyền lực. Trong bối cảnh tồn tại một sự bất cân xứng trong quyền lực của những người thực thi thuế với người dân, giữa người giàu và người nghèo, thực thi một sắc thuế có khả năng xảy ra tình trạng tránh thuế cao như thuế tài sản có khả năng làm cho nhiều người dân cảm thấy bất mãn hơn thay vì cảm thấy công bằng hơn. Vì vậy, nói cho cùng, mặc dù thuế đánh lên nhà, đất đầu cơ là một luật thuế có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, thực tế thực thi nó không phải là đơn giản và nếu khả năng thực thi yếu cũng như tình trạng nhũng nhiễu thuế còn nhiều thì nó là một gánh nặng mới đè lên người dân, cũng như trao cho những cán bộ thuế biến chất những công cụ đầy quyền lực để nhũng nhiễu người dân. Đây là những yếu tố khó định lượng nhưng vô cùng quan trọng mà Nhà nước và Quốc hội cần tính đến khi cân nhắc xây dựng chính sách thuế nhắm vào bất động sản. Được thêm 1-2% GDP mà mất đi 1-2% tín nhiệm trong dân thì có đáng đánh đổi hay không?
Theo TBKTSG.