Hỏi: 

Xin chào Nguyên Luật,

Gia đình tôi có khu đất 100m2 nhưng để vào khu đất được thì gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác có có cách phải đi qua đường đi chung này, rộng 1.5m có từ xưa hơn 40 năm trước. Nay gia đình ở đầu đường đi này cho là phần đất ở đầu đường đi chung này là của mình từ xưa tới giờ và nay muốn rào lại không cho đi nữa mà phải đi qua 1 đường nhỏ hơn cũng là bờ ranh làm đường đi chung của xóm khác, trong đoạn đường nhỏ này cũng có phần đất của họ, tôi cũng không rõ gia đình này có được cấp sổ đỏ gồm phần đất đường đi chung này chưa. Vậy thưa luật sư gia đình này không cho đi trên đường đi chung từ hơn 40 năm trước nữa thì có đúng luật không? Nếu họ được quyền không cho đi trên phần đường đó nữa thì những gia đình sinh sống bên trong có cách nào giải quyết không?

Trên đây là thắc mắc của tôi. Mong được Luật sư giải đáp. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:

Quyền về lối đi qua hay thực tế gọi là Quyền về lối đi chung đã được quy định tại Điều 254, BLDS 2015:

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Gia đình bạn và các gia đình khác có đất đai phía bên trong mảnh đất của gia đình hàng xóm thì có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm đó dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ, và phải có sự đền bù thích hợp cho gia đình hàng xóm, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Gia đình hàng xóm dành lối đi cần thiết cho gia đình bạn và các gia đình khác.

Để giải quyết được vấn đề của bạn, bạn cần phải xác định một số vấn đề sau để xác định là gia đình của mình có quyền về lối đi chung với phần đất của gia đình hàng xóm hay không:

Thứ nhất, gia đình hàng xóm đó là chủ sở hữu của phần đất là đường đi chung hay không?

Thứ hai, khi gia đình hàng xóm mở đường đi chung trên đất của họ, thì gia đình bạn và các hộ gia đình cùng sử dụng đường đi chung đó có đền bù cho gia đình hàng xóm không? Hoặc các bên có thỏa thuận gì khác không?

Do bạn không nắm rõ gia đình hàng xóm đó có sổ đỏ với phần đất đó hay không, và các bên có thỏa thuận gì về vấn đề đền bù hay không nên chúng tôi không thể kết luận về tính hợp pháp của hành vi không cho đi trên phần đất là lối đi chung của gia đình đó. Nên bạn cần phải xác định lại thông tin chính xác để kết luận.

Tuy nhiên, nếu bạn xác định được hai vấn đề trên, trong đó phần đất là đường đi chung đó thuộc quyền sở hữu của gia đình hàng xóm và trước đó, gia đình bạn và các gia đình khác đã có sự đền bù cho gia đình hàng xóm hoặc thỏa thuận khác thì quyền về lối đi chung được xác lập với mảnh đất của gia đình bạn.

Tức là gia đình hàng xóm muốn rào lại phần đất là lối đi chung chỉ khi được gia đình bạn và các gia đình khác đồng ý.

Như vậy, gia đình hàng xóm không cho đi trên lối đi chung là không đúng pháp luật. Gia đình bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã can thiệp bằng thủ tục hòa giải cơ sở. Nếu hòa giải cơ sở tại UBND cấp xã không thành thì tranh chấp về lối đi chung sẽ do TAND nơi có bất động sản giải quyết.

Còn nếu, gia đình hàng xóm đó không có sổ đỏ với phần đất trên thì họ không có quyền gì đối với phần đất đó cả. Do đó bạn có thể yêu cầu UBND xấp xã giải quyết.

KẾT LUẬN: Căn cứ và những điều trên đã phân tích thì trước tiên cần xác minh lại hai vấn đề: việc lối đi chung đó có thực sự thuộc quyền sử dụng đất của hàng xóm và nếu đúng là phần đất sở hữu của họ thì bạn và hàng xóm sử dung lối đi chung đó có đền bù cho gia đình họ chưa. Nếu xác thực phần đất đó bạn đã đền bù hay không thuộc của gia đình nhà hàng xóm đó thì không ai có quyền rào chắn không cho gia đình bạn đi được. Gia đình bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã can thiệp bằng thủ tục hòa giải cơ sở. Nếu hòa giải cơ sở tại UBND cấp xã không thành thì tranh chấp về lối đi chung sẽ do TAND nơi có bất động sản giải quyết.

Nguyên Luật với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và tham gia trong các quá trình làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Nếu Quý khách có nhu cầu hoặc thắc mắc liên quan đến đất đai, hãy đến và trao đổi với Nguyên Luật để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình nhất thông qua:

Hotline: 0931.177.377 hoặc Email: luatsu@nguyenluat.vn

Trên đây là nội dung tư vấn của Nguyên Luật!

Trân trọng!