Hỏi:

Xin chào Nguyên Luật!

Chồng tôi là nhân viên của một công ty tư nhân và có tham gia bảo hiểm xã hội. Tôi sinh con đã được 10 ngày và theo như tôi được biết thì theo luật mới, lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con và chồng tôi cũng nằm trong trường hợp đó. Tuy nhiên, đến bây giờ chồng tôi vẫn không được công ty thông báo gì về việc hưởng chế độ thai sản. Vậy tôi muốn hỏi luật sư về điều kiện, thời gian và mức hưởng chế độ thai sản của chồng tôi được tính như thế nào? Chồng tôi có cần làm thủ tục gì không?

Mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:

  1. Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản

Căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 31, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”

Như vậy, tại thời điểm bạn sinh con mà chồng bạn đang tham gia BHXH bắt buộc tại công ty thì chồng bạn cũng được hưởng chế độ thai sản.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản

  •  Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con. Căn cứ tại khoản 2, Điều 34, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”

3. Mức hưởng chế độ thai sản

  • Về mức hưởng – quy định tại khoản 1, Điều 39, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.”

Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bạn sinh con, chồng bạn được nghỉ việc từ 5 ngày đến 14 ngày tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Mức hưởng được tính theo công thức sau:

Mức hưởng = Mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng thai sản/24 X số ngày được nghỉ.

Nếu chồng bạn đóng bảo hiểm xã hội dưới 6 tháng thì mức bình quân tiền lương sẽ là tiền lương của các tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp của bạn, khi bạn sinh con, trong vòng 30 ngày, chồng bạn có thể nghỉ việc hưởng chế độ, tuy nhiên, nếu trong 30 ngày đó mà chồng bạn không nghỉ việc thì đương nhiên, chồng bạn đã tự từ bỏ quyền lợi của mình khi vợ sinh con và không được hưởng chế độ thai sản theo nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật bảo hiểm xã hội 2014 ” Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

4. Thủ tục hưởng chế độ thai sản

Để được giải quyết chế độ nghỉ việc do vợ sinh con, chồng bạn cần chuẩn bị hồ sơ để được giải quyết chế độ thai sản theo Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Phiếu giao nhận hồ sơ 601/…../CĐBHXH như sau:

  • Ghi rõ CMND của vợ trên Danh sách C70a-HD;
  • Giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng sinh (bản sao có chứng thực, 01 bản/con);
  • Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi

5. Thời hạn nộp hồ sơ

Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Nơi nộp hồ sơ: Công ty nơi chồng bạn hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội

Thời hạn giải quyết: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày công ty nộp hồ sơ của chồng bạn lên cơ quan BHXH, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc chi trả chế độ thai sản cho chồng bạn.

Ngoài ra chồng bạn còn được trợ cấp một lần như sau:

Theo Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

       “ Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”

Nếu bạn còn nhiều vướng mắc trong vấn đề trên, hãy đến và trao đổi với Nguyên Luật để được tư vấn tận tình nhất thông qua Hotline: 0931. 177. 377 (Luật sư Trung) hoặc Email: Luatsu@nguyenluat.vn.

Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật!

Trân trọng!