Hỏi:
Xin chào Nguyên Luật!
Ông nội tôi mất năm 2016, bà nội tôi mất năm 2018, ông bà tôi mất không để lại bản di chúc chia đất cho bố tôi. Nay, cô và bác tôi khởi kiện đòi chia thửa đất của ông bà, nhưng tại thời điểm bà tôi sắp mất, mẹ tôi có chứng kiến bà để lại thửa đất cho bố tôi. Vậy cho tôi hỏi, sự kiện trên có được xem là di chúc bằng miệng và hợp pháp theo pháp luật quy định không?
Trả lời:
Chào quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Qúy khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:
Như bạn đã trình bày, mẹ của bạn có chứng kiến bà nội của bạn để lại thửa đất cho bố bạn. Việc này có thể được coi là di chúc bằng miệng nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
– Về việc lập di chúc bằng miệng : Căn cứ theo khoản 1 Điều 629 BLDS 2015 quy định “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”.
– Di chúc bằng miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (Căn cứ khoản 5 Điều 631 BLDS 2015 quy định).
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu chỉ có mẹ bạn làm chứng việc bà nội bạn để lại thửa đất cho bố bạn; Việc chứng nhận này không được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực thì sẽ không có hiệu luật pháp luật. Nghĩa là bố bạn sẽ không được hưởng toàn bộ thửa đất theo di chúc mà chỉ được hưởng một phần thửa đất theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Nguyên Luật!
Trân trọng!