Hỏi:
Chào Quý luật sư,
Vợ tôi bị tai nạn giao thông mất cách đây gần một năm. Vợ tôi có một khoản tiền gửi tại ngân hàng, nhưng do vợ tôi đã mất, không để lại di chúc nên không thể rút tiền đã gửi. Bây giờ tôi muốn rút số tiền đó ra để trang trải cuộc sống thì tôi phải làm gì. Tôi có tới ngân hàng ngỏ ý rút tiền nhưng ngân hàng không đồng ý và yêu cầu tôi có văn bản thỏa thuận của các thừa kế. Tôi làm công nhân nên không hiểu rõ vấn đề này là như thế nào, chúng tôi có 02 con chung chưa đủ 18 tuổi và bố mẹ vợ tôi vẫn còn sống nhưng ở xa và hiện cũng đã già yếu. Mong quý luật sư tư vấn.
Trả lời:
Chào Quý khách hàng! Cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đối với dịch vụ pháp lý của Nguyên Luật. Chúng tôi cung cấp ý kiến pháp lý như sau:
Do vợ anh đã chết nên tài sản của vợ anh để lại là tiền gửi ngân hàng sẽ được để lại cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Vì vợ anh đã chết mà không để lại di chúc cho nên việc thừa kế sẽ theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì do vợ anh chết không để lại di chúc nên di sản vợ anh để lại sẽ được chia theo pháp luật, những người được xác định là hàng thừa kế thứ nhất của vợ anh gồm: anh, cha đẻ, mẹ đẻ của vợ anh và 02 con chung của vợ chồng anh. Nên anh và những đồng thừa kế còn lại sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau trong tổng số tiền gửi mà vợ anh gửi tại ngân hàng.
Để rút được tiền gửi tại ngân hàng thì những người đồng thừa kế phải tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật để nhận di sản thừa kế. Do đó, anh, cha đẻ, mẹ đẻ của vợ anh và 02 con chung của vợ chồng anh phải đến cơ quan công chứng hoặc chứng thực để yêu cầu công chứng văn bản thừa kế.
Anh có thể làm theo 02 cách:
Thứ nhất:
Tất cả những đồng thừa kế sẽ làm văn bản khai nhận di sản thừa kế để nhận phần di sản đó. Trong văn bản khai nhận, các đồng thừa kế sẽ nhận phần di sản được hưởng; bố vợ, mẹ vợ anh có thể lập văn bản tặng di sản thừa kế nếu muốn để lại toàn bộ di sản cho những người thừa kế còn lại. Khi văn bản được công chứng, chứng thực thì những người được hưởng di sản của vợ anh sẽ đến Ngân hàng để rút số tiền đó ra và toàn quyền định đoạt số tiền đó.
Thứ hai:
Cha đẻ, mẹ đẻ của vợ anh có thể lập văn bản thỏa thuận hoặc văn bản ủy quyền cử anh thay mặt và nhân danh tới Ngân hàng để rút số tiền tại ngân hàng. Số tiền được rút sẽ do tất cả các đồng thừa kế định đoạt theo thỏa thuận.
Đối với cả 02 trường hợp, do con anh còn nhỏ nhưng anh không nêu rõ rằng con anh bao nhiêu tuổi, do đó chúng tôi có dẫn chứng theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Anh căn cứ theo độ tuổi của con mình, để xác định được con mình thuộc trường hơp nào trong các trường hợp trên đồng thời, theo quy định anh là người đại diện theo pháp luật đương nhiên đối với con chưa thành niên.
Trên đây là tư vấn của Nguyên Luật,
Trân trọng!